Là một người vừa hưu trí nên tôi có thời gian và duyên lành tham dự tất cả các cuộc trưng bày tượng Phật Ngọc tại Bắc Mỹ, kể cả Canada. Cũng như nhiều đạo hữu lớn tuổi khác trong nhóm Bạch Vân Am (WCH. White Cloud Hut), chúng tôi muốn nhân cơ hội trưng bày tượng Phật Ngọc để đi theo tham dự với tư cách hoàn toàn độc lập. Chúng tôi xem đây như một cuộc hành hương và du lịch trong lứa tuổi về chiều. Chặng cuối mà chúng tôi theo chân Phật Ngọc là tại lễ hội cung nghinh Phật Ngọc ở chùa Kim Quang, thành phố Sacramento, tiểu bang California.
Đêm cuối cùng của thời gian lễ hội kéo dài hai tuần lễ “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”, nằm nghỉ trong khách sạn chờ ngày mai về Santa Ana, tôi mới có dịp đọc các trang báo điện tử bằng tiếng Việt chung quanh hiện tượng Phật Ngọc. Tôi xin cúi đầu đảnh lễ tán dương công đức của chư tôn đức, quý thiện hữu và tín hữu đã viết lên những cảm niệm đầy tinh thần trí tuệ và hoan hỷ chung quanh vấn đề nầy. Đồng thời, tôi có lời trân trọng góp ý với thầy Thích Chân Tuệ qua bài viết: “Tám điều bất chánh quanh vụ Phật Ngọc hòa bình” của Thầy đã đăng trên các diễn đàn công luận Việt ngữ. Lần lượt, tôi xin góp ý với tác giả từng điều một trong tinh thần chánh niệm: Biết phục thiện và cầu tiến bộ để hồi hướng công đức những điều hay, làm đúng và sám hối giải nghiệp những điều quấy, làm sai.
Điều một: Cầu sám hối để giải trừ vọng ngữ.
Là một nhà tu hay một người Phật tử tại gia thì điều đòi hỏi đầu tiên là ái ngữ và tâm thiện vì đó là trái tim của đạo Phật. Nói hay viết ra phải có lời từ ái của tâm từ bi và sự trong sáng của trí tuệ. Mở đầu bài viết, thầy Chân Tuệ đã dùng ngay ngôn ngữ phủ đầu người đọc như “bất chánh”, “tổng nổi dậy” v.v… cho một sự kiện tôn giáo thì quả là dấu hiệu tâm ý khác thường, hiếm thấy ở một nhà sư. Lời hung dữ, mạ lỵ, ngã mạn thường có tác dụng tâm lý gây thù kết oán, đi ngược lại tinh thần hóa giải của đạo Phật. Ngay cả đối với kẻ phàm phu còn khó nghe, huống chi đây là người tu sĩ. Và, suốt cả bài viết của Thầy, hình như không có nơi nào thiếu vắng một văn phong thiếu thanh thoát như thế. Để có sự chia sẻ trọn vẹn, kính mời người đọc xem lại bài viết của thầy Thích Chân Tuệ đã đăng trên nhiều trang báo điện tử tiếng Việt.
Điều hai: Cầu sám hối để giải trừ vọng niệm.
Đem việc Lương Vũ Đế đối thoại với Đạt Ma Tổ Sư ngày xưa khi luận đàm về căn tính của việc tu phước và tu huệ để so sánh với ý hướng và công quả tạc tượng Phật Ngọc của Lạt ma Zopa Riponche và Phật tử Úc Ian Green ngày nay là không đi đúng đường chính luận về cả hai mặt: Tư tưởng Đại thừa và khuynh hướng Thiền-Tịnh-Mật đồng tu của Phật giáo Việt Nam thời cận đại và hiện đại. Bất cứ một Phật tử nào mới tu tập, dẫu cho còn ở hàng sơ cơ, khi mở ra phần đầu tiên của cuốn Nghi Thức Tụng Niệm phổ thông đều nhận rõ điều nầy khi đọc các bài chú (Chân ngôn của Mật Tông) song hành với Bát Nhã (Chứng ngộ của Thiền Tông), A Di Đà (Vãng sanh củaTịnh Độ) kết hợp trong cùng một thời khóa tụng. Đem tư tưởng “trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành Phật” của thiền tông Trung Hoa để so sánh và ứng dụng vào sinh hoạt của Phật giáo Việt Nam thì khó lòng tránh khỏi vọng niệm khiên cưỡng và máy móc.
Điều ba: Cầu sám hối để giải trừ vọng kiến.
Người Phật tử không nhầm lẫn giữa tướng (hình dung) và tánh (bản chất) nhưng thường tạo ra thế song lập (tướng và tánh nương vào nhau) làm phương tiện tu hành cho được dễ dàng hơn: Từ pháp thế gian của phàm phu tướng tánh nương nhau; bậc tu hành chín chắn quán pháp thế gian để thấy tánh mỗi ngày một hiển lộ; bậc tu hành chứng ngộ vươn lên tâm hành cao tột của pháp xuất thế gian mới thấy toàn chân tánh. Nay thầy Chân Tuệ muốn đại chúng ai cũng chứng ngộ thấy được chân tánh (như Thầy?) để đừng quan chiêm hình tướng giả lập của ông Phật đẽo ra từ khối ngọc thì quả là vì tâm Thầy quá rộng lượng, nên đã đem ước mơ làm thực tế. Vả lại, vọng nghiệp và tập khí tích lũy nhiều đời, nhiều kiếp làm cho mỗi người có một căn cơ và thức nghiệp khác nhau trong đời sống tâm linh. Bởi vậy, đức Phật đã dùng dụ “căn nhà lửa” và cổ xe nai, xe dê… để giáo hóa cho từng đối tượng khác nhau như trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
Nay thầy Chân Tuệ thuyết minh cho luận điểm Ma và Phật qua sắc tướng Phật Ngọc thì rõ ràng Thầy chỉ giới hạn đường tu cho một tầng lớp Phật tử có cùng căn cơ và thức nghiệp như Thầy; chứ không phải Thầy thuyết cho đại chúng đang cần vô lượng pháp môn để tu học. Đem lý thuyết “nhất niệm khởi, cực lạc sanh” sẽ không thuyết phục được những tín hữu học thuật có trình độ cao thâm; ngược lại đem Trung quán, Tánh không ra thuyết sẽ không chuyển hóa được tâm đạo của người đơn giản chưa hề học Phật. Bởi vậy, cần thuyết nhơn như đảo mộc, tùy bệnh mà cho thuốc, tùy người mà nói pháp. Thầy Chân Tuệ đã đem những hiện tượng xuất phát từ tin đồn của nhiều thành phần Phật tử khác nhau như có hoa Mạn đà la, Mạn thù sa… xuất hiện xung quanh tượng Phật Ngọc như chứng lý “mê tín dị đoan” của những người tới viếng Phật Ngọc; rồi cho họ là ngu si, dốt nát thì cũng hơi… oan! Thật ra, tín tâm tôn giáo vẫn thường vượt ra ngoài những giới hạn bé nhỏ của tri thức thuần lý tương tự như biên kiến của thầy Chân Tuệ.
Nhân thể, cũng xin được nói một chút về tin đồn và hiện tượng hoa “Mạn đà la” xuất hiện quanh Phật Ngọc. Về mặt kỹ thuật thuần túy, những người đã quen và có nghiên cứu chút đỉnh với hệ thống máy chụp hình bỏ túi đời mới (compact digital camera) đều biết rõ lý thuyết tạo hình. Hiện tượng và lý thuyết “ảo ảnh tạo hình” (ORB: Object Request Broker) ra đời từ năm 1994 và đã đi vào Bách khoa Từ điển toàn cầu Wikipedia: “(http://en.wikipedia.org/wiki/Orb_(0ptics)” chứ chẳng phải là phát hiện gì mới lạ. Đã 15 năm qua, chẳng ai còn ngây thơ đem những Ma ảnh (Ghost Orbs) để làm chỗ dựa cho đức tin cả. Nhưng ngôn từ và khái niệm tôn giáo có tính đặc thù riêng của nó. Khi một tín đồ Thiên Chúa giáo cho rằng: “Một sợi tóc trên đầu rụng xuống cũng do thánh ý của đức Chúa Cha” là cách nhìn thế giới của người đó đã nằm trong phạm trù đức tin tôn giáo. Họ nhìn sợi tóc, nhìn thế giới bằng tâm chứ không phải nhìn qua ống kính máy ảnh. Trong đại hội Liên Hoa ngày Phật còn tại thế, nếu nhìn bằng mắt trần thì chỉ thấy được một đóa sen trên tay đức Phật. Nhưng khi nhìn bằng tuệ giác chứng ngộ của Ca Diếp thì đài sen đã mở ra cửa ngỏ của chân tâm. Vậy nên, tu hành là mở đường chứ không phải là cột buộc. Đạo Phật là con đường khai phá chứ không phải là ngõ cụt dính mắc. Nhìn những ảo ảnh tạo hình “orbs” với tâm phân biệt qua vọng kiến ma quỷ thì tức khắc đối tượng nhìn sẽ biến thành ma quỷ. Nhìn qua tâm từ ái thì đối tượng sẽ biến thành hoa. Cõi Cực lạc và địa ngục A tỳ cũng chỉ là hai mặt của cùng một tri kiến “tạc nhật dạ xoa tâm, kim triêu bồ tát diện” mà thôi.
Điều bốn: Cầu sám hối để giải trừ vọng tư duy.
Thầy Chân Tuệ cho rằng, Phật Ngọc có phần hồn là vị Lạt ma Tây Tạng và phần xác là vị chủ nhân người Úc như đã nói ở trên. Thế rồi kẻ hồn, người xác mang Phật Ngọc đi bán, dụ quần chúng mê muội (?!) tin theo cúng dường để hốt bạc. Nói như thế là vô hình chung đồng hóa phương tiện với cứu cánh và người tu sĩ như thầy Chân Tuệ đã tự phủ nhận chính mình. Từ ngày đức Phật Thích Ca nhập diệt, đã có bao nhiêu chùa chiền, bảo tháp, tu viện dựng tượng của Ngài. Nhưng đấy chẳng phải là Phật mà chỉ là biểu tượng để hướng vọng về Phật. Đặt vấn đề hồn xác cho một bức tượng mới xuất hiện, không hiểu thầy Chân Tuệ có đặt lại vấn đề tương tự cho bộ áo cà sa mà thầy đang mặc trên người, ngôi chủa mà Thầy đang tu, tượng Phật mà Thầy ngày ngày đảnh lễ, sự cúng dường chư tăng của đàn na tín thí có một loại hồn phách tương ứng nào chăng? Hay tất cả chỉ là phương tiện, là chiếc bè qua sông mê; khi đến bờ giác rồi thì vất bỏ. Đức Phật dạy: “Vạn pháp giai thị Phật Pháp”; các pháp đều bình đẳng. Khi học trò của Ngài như Thầy Chân Tuệ khởi tâm phân biệt bỉ-thử như thế có phải là đang đi trên đường suy niệm chánh tư duy hay không.
Điều năm: Cầu sám hối để giải trừ vọng nghiệp.
Thầy Chân Tuệ hỏi: “Tại sao dán bùa ‘hòa bình’ cho tượng Phật Ngọc và chỉ triển lãm ở… Chùa?” Một câu hỏi không thể trả lời vì trả lời là nghịch lý! Thế thì kính bạch Thầy, phải dán nhãn hiệu là “thần chiến tranh” lên tượng Phật Ngọc và đem ra bỏ ngoài đường mới đúng chăng?!
Điều sáu: Cầu sám hối để giải trừ vọng tưởng.
Thầy Chân Tuệ đã cho rằng tượng Phật Ngọc bị tạc theo gương mặt phụ nữ giống khuôn mặt của bà Judy Green là vợ của người chủ nhân bức tượng. Chẳng hiểu Thầy có bị ám ảnh bởi lịch sử tượng Nữ Thần Tự Do của Mỹ do điêu khắc gia Pháp, Frédéric-Auguste Bartholdi khắc theo đường nét khuôn mặt của mẹ mình không. Nhưng tượng Phật Ngọc thì tuyệt nhiên không nằm trong trường hợp này. Nếu thầy Chân Tuệ đã có cơ hội du lịch qua miền đất Phật ở Ấn Độ và viếng Đại bảo tháp Bồ Đề (Mahabodhi Stupa) nơi có thờ tôn tượng của đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong thế ngồi Xúc Địa Ấn (Bhumisparsa Mudra) với một bàn tay bắt ấn chạm đất để trấn áp ma chướng thì có lẽ Thầy sẽ không suy diễn đầy phóng tâm như thế. Toàn tượng Phật Ngọc, từ khuôn mặt đến thế ngồi đều được làm giống theo gần như phó bản của tượng Phật Thích Ca mâu Ni hiện đang thờ trong Đại bảo tháp Bồ Đề ở miền đất Phật Ấn Độ. (Thầy có thể đơn giản bấm vào “Google”, tìm tiểu mục “Mahabodhi Stupa in India” là thấy được ngay điều nầy). Xin đảnh lễ để Thầy phát tâm từ bi nghiên cứu cẩn trọng hơn khi viết về Phật giáo, hầu tránh những suy diễn xuôi dòng làm giảm ân đức của Thầy đối với công hạnh hoằng pháp độ sanh!
Điều bảy: Cầu sám hối để giải trừ vọng tín.
Thầy Chân Tuệ đã vội vàng dán nhãn hiệu cho chúng sanh khi chưa kiểm nghiệm chín chắn: “Lạt ma Zopa Ronpoche lừa bịp công chúng, chống lại đức Đạt lai Lạt Ma, phá hoại Phật Pháp… ” chỉ vì vị Lạt ma nầy “mắc tội” chú nguyện cho tượng Phật Ngọc với ước mong tượng có công năng mang lại hòa bình an lạc cho thế giới; trong khi đức Đạt lai Lạt Ma đang khổ công vận động cho hòa bình và giải phóng Tây Tạng ra khỏi sự xâm lăng Trung Quốc. Một lần nữa, thầy Chân Tuệ lại vướng vào vọng tín giới hạn là “chỉ có một con đường duy nhất nào đó (mà sở kiến Thầy cho là duy nhất đúng) mới đạt tới một mục đích nào đó (mà vì từ bi Thầy chưa khai thị cho chúng sanh đang còn non kém hơn Thầy) . Kính bạch Thầy, như thế thì Thầy nên hoan hỷ đi du lịch môt phen qua miền Tây Tạng hoặc khảo chứng tài liệu Phật giáo kỹ càng hơn. Nơi đó, đạo Phật là quốc giáo. Nơi đó, quần chúng đủ mọi thành phần và lứa tuổi, bất cứ khi nào, trên đỉnh núi, trên dòng suối hay trên sông đều thành tâm viết trên lá, trên vải, trên giấy những lời cầu nguyện hòa bình an lạc cho toàn thể thần linh và nhân loại ở địa cầu và ba nghìn thế giới. Họ thả lời cầu nguyện bay theo chiều gió, thả trôi theo con suối, dòng sông với tất cả tâm thành và lòng ngưỡng vọng thiêng liêng. Đó là văn hóa và đức tin mà tất cả các vị Lạt ma Tây Tạng đều tán thán. Nay bỗng dưng, có một vị tu sĩ nước Việt Nam ta mới xuất gia không lâu mà phát biểu như thầy Chân Tuệ e sẽ làm cho thế giới Tây Tạng không biết nên khóc hay cười. Kính thưa thầy Chân Tuệ: “Có thì có tự mảy may, khi không cả thế gian nầy cũng không”, nên Thầy vừa mở đề thì đã thành kết luận.
Điều tám: Cầu sám hối để giải trừ vọng động.
Khi chưa tinh mà đã tấn thì tinh tấn sẽ thành “vọng tấn” hay vọng động, nghĩa là… chạy bậy!
Xin kể hầu Thầy một câu chuyện có ít nhiều liên quan đến vấn đề mà Thầy đang đặt ra về việc tượng Phật Ngọc được thỉnh về Việt Nam:
Sau mùa An cư kiết hạ, đức Phật và tăng đoàn thường rời thành Xá Vệ đáp lời mời cúng dường của các vương tử và trưởng giả nhiều nơi. Duy chỉ có thành Ma Đà Hi (Madhahi) là vẫn còn khép kín. Giới cầm quyền chủ trương bài Phật, bài tôn giáo vì họ chỉ tôn thờ thần Chiến tranh A Bạt Đà La (Abadala). Một hôm, tôn giả Mục Kiền Liên xin đức Phật vào thành du thuyết. Đức Phật hỏi: “Nếu vào thành mà bị sỉ nhục thì sao.” Tôn giả đáp: “Bạch Thế tôn, con sẽ thực hành hạnh nhẫn nhục để lấy lòng từ bi mà khuyên nhủ họ”. Đức Phật lại hỏi: “Nếu họ vọng động hành hung thì sao?” Đáp: “Con sẽ lấy trí tuệ mà né tránh điều hung dữ và lấy tâm hỷ xã mà giải oán và khuyến dụ họ vào con đường chánh.” Vốn là một đại đệ tử thần thông đệ nhất của Phật, Mục Kiền Liên tuy chưa thành công hoàn toàn trong việc khuyến dụ quan dân thành Madhahi theo chánh đạo, nhưng qua những thử thách khó khăn ông đã được quan cũng như dân đón nhận. Khi trở về đức Phật dạy: “Chỉ có ánh sáng mới xóa tan bóng tối. Khi đã chấp nhận nguồn sáng rồi, thì sớm muộn gì bóng tối cũng dần tan.” (Lược trích từ Nhân Minh Luận – Human Rationality.)
Sự kiện Phật Ngọc về Việt Nam làm cho người ta liên tưởng tới Mục Kiền Liên vào thành Ma Đà Hi. Suốt hơn 2500 năm qua, đạo Phật chỉ có một con đường nhất quán như thế. Lấy ánh sáng xua tan bóng tối; lấy từ bi vả trí tuệ làm phương tiện tối thắng thù hận, vô minh. Thầy Chân Tuệ cũng có bàn về những vướng mắc và hệ lụy chính trị khi tượng Phật Ngọc được đưa từ Thái Lan về Việt Nam. Tôn giáo và chính trị không cùng mẫu số chung. Thầy Chân Tuệ chỉ đem sự suy diễn đầy cảm tính của một nhà tu nặng tính chất xã hội và tâm lý học để bàn chính trị nên lời Thầy trong lĩnh vực nầy không có tính thuyết phục. Trong một thế giới đang chịu nhiều khổ đau vì hận thù và xung đột, người Phật tử có tâm Bồ đề kiên cố thì phải hành trì Trung đạo. Đi lệch một chặng đường là uổng phí cả công hạnh tu trì.
Kết luận.
Trong phần kết luận của bài viết, thầy Chân Tuệ quyết đoán ngõ lời với đại chúng rằng: “Chỉ có kẻ ngu dốt hay mê muội mới tin tưởng vào lời quảng cáo láo khoét của bọn buôn tượng quý, bán Phật giả này mà đến chiêm bái và cúng dường, làm giàu cho chúng, vô tình tiếp tay chúng phá hoại Phật giáo.”
Không rõ thầy Chân Tuệ căn cứ trên những tiêu chuẩn nào để phân định sự ngu dốt, mê muội và thông thái, sáng suốt của con người trên hành tinh nầy. Nhưng lời răn đe của Thầy thiếu tính ái ngữ và nghiêng lệnh quá xa tinh thần Từ bi và Trí tuệ của đạo Phật. Thầy dạy “pháp” như thế thì có khác chi lời hịch truyền “chống dị giáo” của thế lực bảo thủ cực đoan thời Trung Cổ. Đọc hết cả tám điều trong bài Thầy viết, nơi nào cũng chất chứa âm hưởng đầy bức xúc, miệt thị, công kích… Trong tinh thần Phật giáo, dẫu cho thân nghiệp chưa có đủ điều kiện nảy sinh, nhưng khi ý nghiệp và khẩu nghiệp phát tác cũng đủ khiến kẻ mang tâm sinh khởi chướng ngại phải chịu đa đoan qua nhiều tiểu kiếp.
Có chăng lời dạy của thầy Chân Tuệ không có tác dụng tích cực nên thực tế diễn ra lại theo chiều hướng ngược lại với công đức tu hành nói pháp của Thầy. Trong tất cả các cuộc cung nghinh tượng Phật Ngọc, số người tham dự đông đảo và kéo dài gấp cà chục, cả trăm lần so với những lễ hội tôn giáo được xem là lớn nhất trong cộng đồng người Việt hải ngoại từ trước tới nay. Bên cạnh truyền thông của người Việt, báo chí và các đài truyền truyền thanh, truyền hình chính quy hàng đầu của người Mỹ đều có loan tin hay làm phóng sự. Đặc biệt là tại Lễ hội Phật Ngọc tại chùa Kim Quang, Sacramento, có ngày số người Mỹ và các nước khác đến viếng còn đông đảo hơn là số người Việt. Các ban nhạc và ca sĩ thành danh luân phiên trình diễn “cúng dường” miễn phí trong suốt thời kỳ lễ hội. Trong muôn người dự hội, không biết có ai nằm trong đối tượng “ngu dốt, mê muội” như lời điểm mặt của thầy Chân Tuệ hay không. Nhưng sự thật hiển nhiên là người ta đến dự lễ hội Phật Ngọc bằng nụ cười hoan hỷ và cái tâm an lạc vì tất cả đều xuất phát từ lòng tự nguyện.
Nếu có tiền bạc đóng góp “tùy hỷ công đức” trong lễ hội nầy thì tuyệt nhiên trong cả chục vạn người đi chưa nghe một lời phàn nàn hay trách cứ. Nếu có chăng lời phàn nàn không ngớt thì đó là sự việc tượng Phật Ngọc để đeo cá nhân không đủ cung ứng cho nhu cầu đại chúng. Có người thức khuya dậy sớm, đi cả hàng trăm dặm, kiên trì chờ đợi từ ngày nọ sang ngày kia mà vẫn phải quay về tay không. Có nhiều người nằm trong đối tượng “ngu dốt” hay “mê muội” của thầy Chân Tuệ lại trả lời rất… minh triết sau khi đọc bài của Thầy, rằng: “Muốn mua vàng ngọc ròng thì tôi tới các tiệm kim hoàn để mua chứ mua tượng Phật Ngọc ở chùa mà làm gì. Tới nơi đây, tôi muốn có được một niềm vui hay một niềm tin với năng lượng lành cho chính mình chứ tôi có đi mua cổ phiếu đầu tư đâu mà quan tâm đến lời bá nhân bá tánh dèm pha thật giả…”
Ước chi, sau hiện tượng Phật Ngọc, những bậc tu hành cao kiến như thầy Chân Tuệ sẽ tìm ra được những biểu tượng khác để lâu lâu đại chúng có cơ duyên họp mặt, tìm lại gần nhau đông đảo và chan hòa như lễ hội Phật Ngọc thì thật là hạnh phúc. Trong thời đại khoa học kỹ thuật ngày nay, nguồn thông tin đại chúng khổng lồ như bất tận được truyền tải bằng vệ tinh, tín hiệu, tia sáng thì e rằng chỉ có những bồ tát nghịch hạnh, hóa thân làm con ếch ngồi dưới đáy giếng mới gióng chuông âm dương để khai thị về sự “tối tăm, ngu muội” đầy giả định của kẻ khác mà thôi.
Bậc thiên nhân sư thế tôn như Đức Phật khi ra ngoại thành còn vái một đống xương khô và chỉ rõ sự bình đẳng của Phật tính trong mỗi con người. Mọi thái độ cống cao ngã mạn, chấp thủ cái tôi ảo ảnh, nuôi lòng sân hận khinh rẻ tha nhân dù chỉ trong một sát na sinh diệt cũng đủ đốt cháy tất cả năng lượng tu tín của cả một đời.
Làm người đã khó. Làm Phật tử giữ gìn giới luật càng khó hơn. Làm kẻ xuất gia là chuyển hóa thân tâm từ phàm qua thánh. Trong muôn một, vẫn có kẻ chưa trả hết nghiệp tiền kiếp phải biến tướng từ thánh qua phàm.
Nhưng đạo Phật đã nêu cao tầm hóa giải: “tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn” thì dẫu có tới nẻo cuối mà thiện tâm chưa mất thì vẫn còn mở được cánh cửa khai thị, viên thông.
Biết sai thì sám hối. Dẫu muộn còn hơn không.
Nguyên Thọ, Trần Kiêm Đoàn