Công Đức Lợi Ích Phát Tâm Thọ trì Mười Điều Lành là Bước Đến Thù Thắng Của Bồ Tát Đạo


Người Cư Sĩ tại gia phát tâm học Phật ngoài những điều căn bản quy y Tam Bảo thọ trì năm giới cấm để trở thành đệ tử của Đức Phật đồng thời trở thành tín đồ chân chánh của Phật Giáo, nếu như nhân duyên đầy đủ chúng ta nên tiến thêm một bước nữa, nên thọ trì Thập Thiện Giới Pháp, để gieo duyên với Bồ Tát Đạo và trồng căn lành để đời sau được sanh lại làm người đầy đủ phước báo, hình tướng trang nghiêm, thông minh trí huệ và điều quan trọng nhất là được gặp Phật Pháp, thọ trì Tịnh Giới, tinh tấn tu trì đạt đến giải thoát giác ngộ.

Hòa Thượng Thánh Nghiêm trong "Bồ Tát Giới Chỉ Yếu" dạy: “là người phàm phu trong dục giới, nếu như không thọ trì cấm giới, như muốn ngày sau sanh lại làm người là việc đã hết sức khó khăn, huống chi là giải thoát sanh tử cho đến thành Đẳng Chánh Giác.”

Thập Thiện là mười điều lành mà người thế gian nếu muốn trở thành một người hoàn thiện thì ai cũng đều phải tuân thủ, đối với người học Phật thì mười điều lành là khuôn phép đạo đức, hạnh tu cần phải thực hành. Trong Kinh "Tạp A Hàm" chép: “những gì là chánh? Trời , Người, Niết Bàn. Những gì là Chánh Đạo? không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không vọng ngữ, không nói lời hai lưỡi, không ác khẩu, không ỷ ngữ, không tham, không sân, không si mê phải chánh kiến.”. Trong "Thanh Tịnh Đạo Luận" chép: “ Ưu bà tắc, Ưu bà di thường thọ trì Ngũ Giới, nếu như có khả năng nên học tu thập giới… đây là Giới pháp của người tại gia.”.

Trong Kinh "Thập Thiện Nghiệp Đạo" chép: “Bồ Tát có một pháp có thể đoạn trừ hết thảy các nghiệp khổ của ác đạo, những gì là một. Trong suốt ngày đêm luôn luôn nhớ nghĩ quan sát các điều lành, làm cho niệm lành ngày một thêm lớn, không còn một chút mảy may nào của tạp niệm bất thiện.

Như thế khiến cho các ác nghiệp vĩnh viễn bị đoạn trừ, thiện pháp được viên mãn. Thường được thân cận chư Phật, Bồ Tát cùng với thánh chúng. Thiện Pháp được nói đây. Điều mà Trời, Người, Thinh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, và Vô Thượng Bồ Đề đều tu theo pháp này… tức là mười điều lành vậy.”.

Mười Điều Lành đối với Phật Giáo có tính chất vô cùng quan trọng trong vấn đề cốt lỏi của Phật Giáo về tín ngưỡng, ác nghiệp và thiện nghiệp, là duyên khởi của tư tưởng “Nghiệp Cảm”.

Ác thì phải chịu khổ báo, Thiện thì được quả lành, duyên khởi lập luận “Nhơn Quả” của Phật Giáo được hình thành từ chân lý này. Trong Luận "A Tỳ Đàm Tỳ Bà Sa" Phẩm Bất Thiện chép: “Tu hành mà tạo nghiệp sát sanh thì sanh vào Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh, cho đến tà kiến cũng như vậy.”. Trong Kinh "Biệt Thích Tạp A Hàm" chép: “Như các thiện pháp này, là pháp thanh tịnh của mười nghiệp lành, nếu như người nào có thể tu hành, nhất định được sanh thiên”.

Người tu tập mười điều lành được những lợi ích, trong Kinh (Thập Thiện Nghiệp Đạo) Phật dạy:

Nếu xa lìa Sát Sanh thời được thành tựu 10 pháp không còn bức não.

1 – Đối với chúng sanh cùng khắp bố thí đức vô úy

2 – Thường khởi lòng đại từ đối với các chúng sanh.

3 – Dứt sạch tất cả các tập khí giận hờn.

4 – Thân thường không bệnh.

5 – Mệnh sống lâu dài.

6 – Thường được phi nhơn ( quỷ thần ) ủng hộ.

7 – Thường không ác mộng, thức ngủ an vui.

8 – Diệt trừ oán nghiệp, oán thù tự giải.

9 – Không sợ sa vào đường dữ.

10 – Khi chết sanh lên cõi trời.

Nếu xa lìa Trộm Cắp thời được mười pháp bảo – tín:

1 – Giàu có của cải: Vua, giặc, nước, lửa và con hư, không thể phá diệt.

2 – Nhiều người thương mến.

3 – Người không phụ gạt.

4 – Mười phương khen ngợi.

5 – Không lo tổn hại.

6 – Tiếng tốt đồn khắp.

7 - Ở trong đại chúng không hề sợ hãi.

8 – Của cải, tánh mạng, hình sắc, sức lực, an vui, biện tài đầy đủ không thiếu.

9 – Thường sẵn lòng bố thí.

10 – Mạng chung sanh lên cõi trời.

Nếu xa lìa Tà Hạnh thì được bốn pháp kẻ trí ngợi khen:

1 – Pháp căn điều thuận.

2 – Xa lìa rộn ràng.

3 – Được đời khen ngợi.

4 – Vợ ( hay chồng ) không ai xâm phạm.

Nếu xa lìa Vọng Ngữ thì được tám pháp trời khen ngợi:

1 – Miệng thường thanh tịnh, thơm mùi hoa Ưu – bát.

2 – Được người đời tín phục.

3 – Mở lời thành chứng, nhơn thiên kính mến.

4 – Thường đem lời êm dịu an ủi chúng sanh.

5 – Được ý vui thù thắng, ba nghiệp thanh tịnh.

6 – Nói không sai lầm, lòng thường hoan hỷ.

7 – Mở lời tôn trọng, nhơn thiên vâng làm.

8 – Trí huệ thù thắng không ai chế phục.

Nếu xa lìa nghiệp Hai Lưỡi, thì được năm pháp không thể phá hoại:

1 – Được thân bất hoại, không ai hại được.

2 – Được bà con bất hoại, không ai phá hại.

3 – Được lòng tin bất hoại, thuận theo bản nghiệp.

4 – Được pháp hạnh bất hoại, chổ tu kiên cố.

5 – Được thiện tri thức bất hoại, không dối lừa nhau.

Nếu xa lìa Ác Khẩu thì được thành tựu tám món tịnh nghiệp:

1 – Lời nói không trái pháp độ.

2 – Lời nói có ích lợi.

3 – Lời nói quyết hợp lý.

4 – Lời nói đẹp đẽ.

5 – Lời nói thừa lãnh được.

6 – Lời nói được tín dụng.

7 – Lời nói không thể chê.

8 – Lời nói được ưa thích.

Nếu xa lìa ỷ Ngữ, thì thành tựu được ba món quyết định:

1 – Quyết định được người trí ưa thích.

2 – Quyết định có thể dùng trí như thật đáp các lời hỏi.

3 – Quyết định có oai đức tối thắng đối với nhân thiên không hư vọng.

Nếu xa lìa Tham Dục thời được năm món tự tại:

1 – Ba nghiệp tự tại, các căn đầy đủ.

2 – Của cải tự tại, oán tặc không cướp đoạt.

3 – Phước đức tự tại, tùy lòng ưa muốn vật dụng đều đủ

4 – Vương vị tự tại, đồ vật quý lạ, đều được dâng hiến.

5 – Những vật đã được thù thắng gấp trăm lần lòng mong cầu, vì thuở xưa không bỏn xẻn ganh ghét.

Nếu xa lìa Sân Hận, thời được tám món tâm pháp hỷ duyệt:

1 – Không lòng tổn hại.

2 – Không còn sân hận.

3 – Không lòng kiện tụng.

4 – Lòng nhu hòa, ngay thật.

5 – Được từ tâm của bậc Thánh.

6 – Sẵn lòng làm lợi ích an lạc cho chúng sanh.

7 – Thân tướng đẹp đẽ, mọi người đều tôn kính.

8 – Do sự hòa nhẫn mau sanh về cõi Phạm Thiên.

Nếu xa lìa Tà Kiến thời sẽ được thành tựu mười pháp công đức:

1 – Được ý vui chân thiện, bầu bạn chân thiện.

2 – Thâm tín nhân quả, thà bỏ thân mạng trọn chẳng làm ác.

3 – Chỉ quy y Phật, không quy y các thiên thần.

4 – Trực tâm chánh kiến, xa hẳn các sự ngờ vực kiết hung.

5 – Thường sanh nhơn thiên không sa vào đường dữ.

6 – Vô lượng phước huệ, lần lựa thêm nhiều.

7 – Xa hẳn đường tà, tu hành Thánh đạo.

8 – Chẳng khởi thân kiến, bỏ các ác nghiệp.

9 – Kiến giải vô ngại.

10 – Chẳng bị các tai nạn.

Những điều lợi ích trên đây là công đức Phật dạy, người tu tập mười điều lành sẽ được và nếu như đem công đức này hồi hướng hồi hướng về quả vị Vô Thượng Bồ Đề sẽ được thành Phật. Nhưng quá trình đạt đến quả Phật bất luận là ai cũng phải trãi qua hành trình tu tập hạnh Bồ Tát, nếu như có nền móng thiện nghiệp vững chắc thì tu trì Bồ Tát Đạo sẽ kết được rất nhiều thuận duyên. Trong Kinh "Thập Thiện Nghiệp Đạo" Phật dạy:

“Nếu như có Bồ Tát y theo nghiệp thiện này này mà tu hành, lìa nghiệp sát tu hạnh Bố Thí…Lìa nghiệp trộm cắp tu hạnh Bố Thí…Lìa lỗi tà hạnh tu hạnh bố thí…Lìa lỗi nói dối tu hạnh bố thí…Lìa lời nói ly gián tu hạnh bố thí…Lìa lời nói thô ác tu hạnh bố thí…Lìa lời ỷ ngữ tu hạnh bố thí…Lìa lòng tham cầu tu hạnh bố thí…Lìa bỏ lòng giận hờn tu hạnh bố thí…lìa lòng tà đảo tu hạnh bố thí…đây là pháp tu của các bậc Đại Sĩ khi tu Bồ Tát Đạo lấy mười nghiệp thiện để tu hạnh Bố Thí…Trì Giới… Nhẫn Nhục…Tinh Tấn…Thiền Định…Trí huệ…Mười Thiện Nghiệp này hay khiến cho Thập Lực, Tứ Vô Úy, 18 Pháp Bất Cộng, tất cả Phật Pháp đều được viên mãn…”

Mười nghiệp lành là nền móng vững chắc của hạnh tu Bồ Tát Đạo trong Kinh "Thập Trụ" Phẩm Ly Cấu Địa chép: “Nói Bồ Tát thường hộ trì mười Nghiệp Lành, nhơn vì tu mười Điều Lành có thể sanh làm người và trời…

Nếu như tu Mười nghiệp lành thanh tịnh cụ túc, đối với chúng sanh khởi tâm đại từ bi, không lìa hết thảy chúng sanh mà cầu trí tuệ rộng lớn của Phật, đây là bậc đại thừa Bồ Tát vậy…cho đến thanh tịnh các pháp Ba la mật, thâm nhập vào các hạnh lành rộng lớn…cho đến thành Phật.”

Trên đây lược nói các công đức của mười nghiệp lành và lợi ích mà người tu hành mười điều lành có được, đồng thời trích dẫn Kinh điển Phật dạy về mười hạnh lành và công năng của việc tu trì. Mười điều lành là bước đến thù thắng của Bồ Tát Đạo, các Phật tử nên phát tâm tinh tấn dõng mãnh để thọ giới tu trì, và tương lai sẽ thành pháp tử của Đạo Bồ Tát và việc thành tựu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác là không xa vậy.

Thích Tâm Mãn